Cảng biển di động - cuộc cách mạng trong ngành vận tải biển
Cảng biển di động - cuộc cách mạng trong ngành vận tải biển
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày càng gia tăng đã gây áp lực lớn đối với các cảng biển ở khắp nơi trên thế giới. Các kĩ sư Hàn Quốc đã có ý tưởng thiết kế bến cảng di động cho phép bốc dỡ hàng các tàu ngay ở trên biển mà không cần cập cảng. Công nghệ mới này có thể mở ra một cuộc cách mạng ngành vận tải biển trên thế giới.
Các giải pháp cảng đang triển khai!
Trong tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tận dụng các ưu thế về đường bờ biển dài và các cảng sẵn có, Chính phủ cũng đã có các dự án để phát triển các cảng nước sâu, nạo vét luồng lạch vào cảng để có thể tăng mớn nước tiếp nhận tàu góp phần tăng lượng hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, các dự án phát triển cảng nước sâu hoặc còn đang ở giai đoạn hoàn thành, xây dựng cơ sở hạ tầng cho cảng như Cái Mép – Thị Vải, cảng container SP-PSA hoặc đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư như cảng Vân Phong.
Các giải pháp về nạo vét luồng lạch, nâng độ sâu của luồng hiện cũng đang được triển khai hằng năm trong các hệ thống cảng Sài Gòn, Hải Phòng. Tuy nhiên chi phí cho việc nạo vét này là rất lớn. Đơn cử như chi phí cho việc nạo vét luồng cho các cầu cảng tại cảng VICT là xấp xỉ 150 000 USD/ năm. Nếu thực hiện việc này cho toàn bộ hệ thống cảng hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh thì chi phí sẽ là một khoản khổng lồ, xấp xỉ 1 tỉ USD. Đối với cảng Cần Thơ cũng như hệ thống luồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhu cầu xuât nhập khẩu hàng hóa cao nhưng việc nạo vét luồng chỉ có thể nâng tới độ sâu 7 m để tiếp nhận các tàu cỡ vừa, tuy nhiên cũng vấp phải vấn đề chi phí cao và ngoài ra còn có thể ảnh hưởng tới thủy lưu cũng như môi trường của vùng đồng bằng trù phú này.
Vậy trong thời gian chờ các cảng nước sâu hoàn thiện cũng như tìm kiếm một phương án hữu hiệu cho việc tiếp nhận các tàu hàng công suất lớn của suất lớn cho hệ thống cảng hiện tại của nước ta hiện nay thì đâu là giải pháp tối ưu?
Cảng biển di động (Mobile Harbor) - một triển vọng mới?
Khái niệm cảng biển di động có thể còn mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước tiên tiến trên thế giới như Trung Đông, Singapore, Hongkong, hay Châu Mỹ… mô hình này đã được đưa vào sử dụng. Trong sự phát triển của ngành vận tải biển, khối lượng container trên toàn cầu trung bình tăng 8% / năm, thì việc xuất hiện một mô hình cảng biển mới đáp ứng kịp nhu cầu của ngành, nhu cầu môi trường cũng như công nghệ hiện đại là một điều tất yếu. Cảng biển di động là một giải pháp mới trong việc vận chuyển hàng hóa bằng việc kết nối các tàu chở hàng container tại những cửa biển, cửa sông với những cảng có luồng tàu cạn mà tàu không thể vào. Là một hệ thống tổ hợp đa năng, cảng di động có thể di chuyển linh hoạt đến vị trí cần thiết và neo tại các vùng nước sâu gần cảng chính. Cảng được thiết kế đặc biệt với các cần cẩu xoay, có sức xếp dỡ hàng lớn, có thể tiếp nhận các tàu hàng công suất lớn để làm hàng rời và cả hàng container. Ưu việt hơn nữa, trong hệ thống tổ hợp đa năng này có đội tàu chuyển tải hàng hóa, đủ khả năng làm hàng rời và hàng container hàng trọng tải 7.000 tấn chỉ với mớn nước 3,6 m, trọng tải 10.000 tấn, nhưng mớn nước chỉ 4,9 m hoặc các tàu có trọng tải lớn hơn thì loại hình cảng biển di động cũng dễ dàng hoạt động thông suốt, đây là điều mà các cảng biển cố định không thể thực hiện được.
Một hệ thống cảng biển di động bao gồm:
• Cảng nổi (Floating platform): Giúp các tàu lớn với mớn nước sâu không thể di chuyển vào cảng vẫn có thể làm hàng ở vị trí thích hợp, với cơ cấu thiết kế ổn định và đảm bảo an toàn.
• Hệ thống cầu cảng (Mobile Harbor berth interface): Hệ thống thiết kế trên bề mặt cầu cảng đảm bảo suốt quá trình di chuyển, vận hành luôn thông suốt.
• Hệ thống xếp dỡ (Highly-efficient loading system): Cảng sở hữu một hệ thống xếp dỡ các contanier hiệu quả và nhanh chóng.
• Hệ thống lai dẫn tàu và neo đậu (Docking and Mooring): Hệ thống tự động hướng dẫn tàu vào cảng di động, thả neo và xếp dỡ hàng hóa ngay tại tàu.
• Thiết kế hệ thống và mạng lưới vận chuyển container (System design and Container transport network): Hệ thống được thiết kế tối ưu hóa có khả năng phân tích được các chỉ tiêu kinh tế và phân tích mạng lưới vận chuyển container.
Công nghệ của hệ thống cảng biển di động
Với thiết kế tối ưu, cảng biển di động thích hợp với những khu vực có địa hình bất lợi. Ở những vùng nước cạn, tàu container lớn không thể cập cảng, cảng biển di động đóng vai trò trung chuyển, đưa hàng hóa vào cảng mà không cần đến cần trục hay tàu chuyển tiếp. Thực hiện được chức năng đó, cảng biển di động còn góp phần hạn chế tình trạng tắc nghẽn tại cảng, nâng cao mức độ an ninh tại cảng, cũng như nâng cao năng suất bốc dỡ hàng hóa (bốc, xếp hàng hóa ngay tại tàu hàng), với hệ thống bốc, dỡ hàng hóa hiện đại và nhanh chóng...
Xét về mặt kỹ thuật, cảng biển di động hứa hẹn là người tiên phong và dẫn đầu trong công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới nhất trong vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa đường biển.
Xét về mặt khai thác, cảng di động không những chỉ mang đến hiệu quả cho các vùng không có điều kiện tự nhiên tốt phục vụ đón tàu lớn (mớn nước, luồng lạch) mà nó còn tỏ ra hiệu quả với các cảng hiện hữu trong việc di chuyển hàng hóa giữa các cảng này với các ICD. Ngoài ra, cảng di động còn mở ra cơ hội cho các ICD có thể cắt giảm đầu tư vào cầu cảng cũng như cần cẩu, tăng năng suất bốc xếp tại các ICD vốn đã rất thấp trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các cảng hiện hữu cũng có thể dựa vào các cảng di động để tránh dùng cẩu bờ phục vụ mục đích bốc xếp hàng lên xuống xà lan.
Xét về mặt kinh tế xã hội, cảng biến di động góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu cũng như các ngành liên quan, tạo dựng giá trị kinh tế cho nền kinh tế hàng hải, góp phần làm tăng thị phần trong thị trường trung chuyển, phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.
Xét về mặt môi trường, cảng biển di động góp phần đổi mới hệ thống giao thông vận tải vốn nặng nề và nhiều bất cập. Với việc tiếp nhận các tàu hàng lớn cũng như sử dụng các công nghệ thân thiện môi trường sẽ làm giảm lượng tàu cũng như tầng suất tàu ra vào cảng từ đó góp giảm lượng CO2 trong môi trường xanh, giảm thiệt hại trong việc xây dựng cảng…
Ứng dụng cảng biển di động – cần một chiến lược và sự quan tâm thích đáng
Với những lợi ích cũng như hiệu quả mà mô hình cảng biển di động đem lại có thể thấy nó chính là một giải pháp đáng lưu tâm cho thực trạng tiếp nhận tàu hàng kích cỡ lớn, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như tiết kiệm chi phí nạo vét cho hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này cũng sẽ đặt ra những vấn đề cần giải quyết như hệ thống các cầu trên các sông hiện nay sẽ là một trở ngại cho việc di chuyển của cảng di động vì chiều cao của các cần cẩu và trục trên cảng di động là khá lớn. Các phao dẫn tại các của sông cũng như các phương tiện vận tải nhỏ sẽ gây trở ngại cho việc neo đậu và làm hàng của cảng di động. Ngoài các cảng sông lớn gần cửa biển, thì việc chuyển hàng từ cảng di động vào các cảng ICD nằm sâu trong nội địa cũng là một khó khăn cần tính đến.
Sẽ còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết và thảo luận khi ứng dụng mô hình cảng biển di động ở nước ta. Tuy nhiên, với hiệu quả mà nó mang lại, thiết nghĩ chính phủ cùng các ngành hữu quan cũng như các công ty quản lý cảng nên có sự quan tâm, nghiên cứu cũng như những chiến lược đúng đắn về mô hình mới này để có áp dụng và đem lại thêm hiệu quả kinh tế cho hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay.
(Theo Vietnam Logistics Review)
0 nhận xét